Tọa đàm: Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Giao Thủy.
UBND huyện phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định”. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Sơn - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu; đồng chí Trần Huy Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng chí Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, đại diện 14 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh đã về dự.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Sơn - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
định hướng giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP huyện Giao Thủy
Thực hiện Kế hoạch của UBND huyện về triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất, xã, thị trấn lựa chọn đăng ký sản phẩm OCOP. Năm 2019 có 03 sản phẩm của 02 cơ sở sản xuất gồm Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung và Công ty TNHH MTV Hải sản Hùng Vương được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao Ngao sạch Giao Thủy, chả cá Hùng Vương, Tép moi sấy khô. Trên cơ sở đó, năm 2020 UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, mang đặc trưng của vùng miền để hướng dẫn các cơ sở đăng ký tham gia. Sáu sản phẩm được công nhận OCOP gồm tôm nõn hấp, nõn bề bề, cá tẩm gia vị của Công ty TNHH MTV Thủy sản Hùng Vương đạt 4 sao; cá thu, cá nục 1 nắng của Công ty TNHH Thủy sản Xuân Thủy đạt 3 sao; mật ong sú vẹt Xuân Thủy 3 sao. Năm 2021, ngành chuyên môn hướng dẫn các địa phương tiếp tục lựa chọn, đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, đã có 49 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Như vậy, đến nay huyện Giao Thủy có 58 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Bà Ngô Thị Khiếu - Giám đốc Bảo tàng Đồng quê đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Giao Thủy, tại buổi tọa đàm Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Sơn - Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định” trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, chỉ rõ những mặt thuận lợi, khó khăn, cách thức tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, các sản phẩm bảo vệ vững chắc thương hiệu trước hết phải có nguồn nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm đảm bảo, kỹ thuật chế biến, chất lượng đạt tiêu chuẩn; xây dựng nhãn hiệu, tem mác bao bì sản phẩm, hình thức quảng bá sản phẩm phong phú đa dạng như trên Website của cơ sở, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm đúng cách.
Đổng chí Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu tại buổi tọa đàm
Để các sản phẩm OCOP của huyện giữ vững tiêu chuẩn, được người tiêu dùng trong và ngoài huyện tin dùng. Đồng chí Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện đánh giá cao quyết tâm của các cơ sở trong xây dựng sản phẩm OCOP. Tới đây huyện tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất duy trì và nâng cao tiêu chuẩn các sản phẩm đã đạt và tiếp tục đăng ký đánh giá các sản phẩm mới. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, không chỉ tiêu thụ trong huyện mà còn có mặt tại thị trường các huyện, tỉnh thành khác, bày bán tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị. UBND huyện dự kiến mở hội chợ giới thiệu các sản phẩm OCOP, cũng như lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các huyện, tỉnh khác tham gia vào đầu tháng 9/2022. Qua đó, tạo điều kiện các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất giao lưu, trao đổi các sản phẩm, mở ra hướng phát triển mới cho các đơn vị./.
Trần Lý
Trung tâm VH-TT-TT Giao Thủy